.
TIN TỨC TRUYỀN THÔNG
....................................................................

Sinh viên UED chia sẻ kinh nghiệm đi thực tập

Bài viết dưới đây là câu chuyện đi thực tập tại Báo Tuổi Trẻ và những kinh nghiệm đúc kết được sau những ngày đầu tiên "chập chững" bước vào nghề báo của một sinh viên năm cuối tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN).
Viết những dòng này là lúc mình vừa đi lang thang phỏng vấn người dân khu An Thượng về vấn đề ô nhiễm tiếng ồn lúc nửa đêm.
Tìm đại một quán cà phê gần đó, mình nhanh chóng ngồi vào chỗ, nhâm nhi một ly matcha latte, thứ đồ uống có lẽ được lứa tuổi tụi mình yêu thích nhất. Nằm gọn trong khu An Thượng, quán chỉ có người nước ngoài thường xuyên lui tới. Sau khi diễn nét buồn man mát của thiếu nữ mới lớn bên cạnh điệu nhạc jazz, mình nhanh chóng mở laptop lên quay cuồng trong công việc. Mình chợt nghĩ “Đâu là tờ báo được yêu thích nhất Việt Nam?”, thế rồi, cô trợ lý Open AI của mình trả lời: “Báo Tuổi Trẻ”. Chẳng phải đây là tờ báo mà một cô sinh viên năm cuối ngành báo chí là mình đang được làm việc tại đây sao.
Có lẽ vào năm cuối thực tập tại đây đối với mình là một cột mốc đặt ra được hoàn thành. Ngay từ bé, mình đã mê tít những câu chuyện dí dỏm trên Tuổi Trẻ Cười, và đón đọc những bài viết trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, nhất là những truyện ngắn lãng mạn và đầy nhân văn.
Chia se kinh nghiem thuc tap
Tác giả bài viết (người mặc áo đen, đứng giữa) chụp ảnh cùng nhân vật mình phỏng vấn trong một lần tác nghiệp.

Vì là một trong những tờ báo uy tín nhất Việt Nam, đồng nghĩa với việc tờ báo luôn có yêu cầu cao đối với phóng viên. Mình tự nhận là người có khả năng chịu áp lực tốt, cũng không quá đa sầu đa cảm, hay buồn bã khi phải dầm mưa dãi nắng để có được tin bài nhưng kết quả lại không được đăng. Đôi lúc mình cũng choáng ngợp vì cường độ vừa học vừa làm việc tại Tuổi Trẻ (và mình thích điều đó).
Sở dĩ mình dùng từ vừa học vừa làm mà không phải “học việc” vì ở đây mình vừa có cơ hội học việc sau đó làm, rồi lại học việc tiếp. Mình may mắn được một nữ nhà báo duy nhất tại cơ quan nhận lời làm người hướng dẫn. Nhờ những lần hướng dẫn vội vàng qua tin nhắn, gọi điện và trò chuyện tâm sự, mình đã thành công biên tập lại bài viết đạt đủ yêu cầu và viết theo phong cách của toà soạn.
Phan Nguyen Bai dang dau tien
Ngày 08/01/2025 mãi là một kỉ niệm đáng trân trọng với mình, khi mình có được bài viết đầu tiên trên Báo Tuổi trẻ. (Ảnh chụp màn hình Báo Tuổi trẻ).
Phan Nguyen Duoc doc gia tuong tac cuoi bai viet
Hạnh phúc càng vỡ oà khi bài viết nhận được sự tương tác của đọc giả ở cuối bài viết. (Ảnh chụp màn hình Báo Tuổi trẻ)

Để có được những bài học quý báu đó, mình tin chắc bên cạnh sự tận tình xuất phát từ tâm của các anh chị hướng dẫn, phải kể đến cách chúng ta thể hiện ra sao khi làm việc. Khi nói đến thái độ làm việc, có thể nhiều người không mấy để tâm đến vì vốn dĩ nó luôn được bàn từ ngày này sang tháng nọ đến mức nhàm tai. Nhưng tin mình đi, nó vẫn là thứ quyết định mức độ cảm tình mà người khác sẽ trao cho bạn. Mình không tranh cãi xem thái độ quan trọng hay trình độ quan trọng hơn đối với sinh viên thực tập mà mình tin rằng, thái độ tốt sẽ giúp bạn có một môi trường và những cơ hội giúp nâng cao được trình độ của mình.
Đi làm báo là phải lao ra đường và nói chuyện với tất cả mọi người. Để tránh lúng túng, hay như trang giấy trắng với mớ lý thuyết ngồn ngộn được nhồi nhét qua 4 năm học dẫu có ích, nhưng chẳng ai nhớ được nhiều hơn 5, hay 10 thì mình có một vài lời khuyên để các bạn sắp sửa đi thực tập có thêm tự tin để bước vào công việc với những điều thú vị không ngừng nghỉ này.

 
Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng: làm thế nào để mặc đẹp
Bản thân mình không khuyến khích việc để ảnh bản thân trong CV hay sơ yếu lí lịch vì sẽ dẫn đến thiên kiến trong quá trình người tuyển dụng tiếp nhận hồ sơ, nhưng mình cực kỳ khuyến khích các bạn đầu tư vẻ ngoài phù hợp trong cái nhìn đầu tiên cũng như trong suốt quá trình thực tập.
Đầu tiên, chắc chắn bạn không nên mang dép lê, hay mặc quần ngủ, hoặc những chiếc áo hoddie rộng thùng thình đâu. Vì chúng mình chưa có nhiều kinh nghiệm hay danh tiếng, trong quá trình phỏng vấn sẽ có nhiều điều chưa thuận lợi, vì vậy hãy vớt vác bằng trang phục đẹp, lịch sự, gọn gàng.
Nếu phỏng vấn giảng viên, các y bác sĩ hay chuyên gia, chính khách thì hãy ăn mặc lịch sự, gọn gàng và đẹp mắt.
Mình xin gợi ý vài món cho người chưa có nhiều kinh nghiệm phối đồ như sau: áo sơ mi sáng màu, áo dài tay có cổ, quần tây đen, quần culottes, váy liền thân dài ngang hoặc qua gối, chân váy bút chì, áo khoác blazer cùng tone màu quần áo, giày cao vừa từ 3 – 5cm hoặc mang sneaker. Với những bạn nam, hãy mặc áo có cổ và đi giày bít chân.
Có thể trang điểm nhẹ nhàng tươi tắn, xoã tóc tự nhiên hoặc buộc nhẹ nhàng. Nhưng nếu da bạn đang không ổn, hãy để nó được nghỉ ngơi và ưu tiên phục hồi da trước.
Dẫu trang phục phải chuẩn chỉnh nhưng hãy đảm bảo bộ đồ bạn khoác lên mình sẽ đem đến cảm giác thoải mái, an toàn, để chúng mình có thể tự tin. Kể cả khi đó có là váy vóc điệu đà hay giày cao gót, miễn tự tin, kín đáo, sẽ gây nhiều thiện cảm.
Khi phỏng vấn: hãy nhẹ nhàng, từ tốn, nói ra được câu hỏi của mình.
Mình thường bắt đầu từ: "Dạ em xin chào, em là Thảo Nguyên, sinh viên thực tập bên báo Tuổi Trẻ. Hiện tại em đang tìm hiểu/ triển khai/ ghi nhận về… không biết Anh/Chị có thời gian cho em xin gặp mặt để phỏng vấn được không ạ?"
Chị hướng dẫn của mình dặn là: Phải hỏi những điều cần thiết, hỏi thêm những điều mình chưa biết, hỏi những điều còn mờ ám, chưa sáng tỏ, chưa rõ, hỏi cho ra lẽ, hỏi đến cùng mới thôi. Để làm được như vậy không chỉ có tinh thần thép, sự nhạy bén, hiểu rõ vấn đề mà còn phải cực kì khéo léo để người được phỏng vấn trả lời hết câu hỏi. Nói chung là nếu không làm chủ cuộc chơi thì rất dễ hỏng tin bài hoặc thậm chí người ta nói A mà mình nghe thành B rồi sau đó về viết, hậu quả có thể sẽ rất nặng nề.

 
Cái thứ hai, Hãy học cách cộng tác với AI
Đừng hiểu nhầm rằng mình sẽ bảo bạn hãy để AI viết báo cho nhé. Ngoài theo dõi tin tức từ báo chính thống ra, hãy bổ sung thêm tin tức từ các hãng thông tấn uy tín trên thế giới. Vài tuần trước, mình đọc tin từ tạp chí nước ngoài liệt kê một số công việc có nguy cơ bị AI thay thế vào năm 2025 và một số công việc được đánh giá là an toàn trước làn sóng công nghệ.
Trong bài, các chuyên gia tại AIPRM đã co biết những công việc lặp đi lặp lại dựa trên quy tắc dễ bị AI thay thế, trong khi những công việc yêu cầu sự sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và kỹ năng quản lý như y tá, nhà tâm lý học, giáo viên… vẫn được coi là khó bị AI thay thế.
Ông Christoph C. Cemper, người sáng lập AIPRM, cho biết: “Thách thức không chỉ là đào tạo lại kỹ năng mà còn là nuôi dưỡng niềm tin, khuyến khích đổi mới và sử dụng AI một cách có trách nhiệm, đạo đức để nâng cao năng lực của con người thay vì thay thế hoàn toàn họ. Các ngành nghề nắm lấy AI như một công cụ cộng tác, thay vì xem nó là một đối thủ cạnh tranh sẽ có nhiều khả năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai”.
Vậy đó, đối với một đứa "low-tech" mới biết dùng TikTok và Microsoft Word cách đây 5 tháng như mình cũng phải lõm bõm sử dụng AI ở những công việc đơn giản như: dùng nó để kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, hay tìm các hàm trong excel, dịch một số tài liệu bằng tiếng nước ngoài hoặc tìm kiếm người qua Chat GPT. Một số báo cũng cho phép sử dụng ảnh minh hoạ bằng AI như Tuổi Trẻ, chẳng hạn.
Bên cạnh đó, hãy gửi bài viết của bạn cho AI đánh giá, để chỉnh sửa tiểu tiết, chính AI chưa và sẽ không thể nào viết “siêu” và chân thực được như những nhà báo dày dặn kinh nghiệm được. Nói cho rõ hơn thì bạn sử dụng AI để viết, cùng lắm sẽ chỉ ở mức “thường” chứ chẳng bao giờ đạt đến mức “chạm”. Mà thứ con người luôn thèm muốn là “ câu chuyện”, thế nên, tin bài ngoài viết chuẩn yêu cầu của báo chí 5W1H thì hãy tập luyện thêm cách viết dạng kể chuyện. Đơn giản là “cho họ thấy, chứ không kể”, thay vì viết “cô ấy ngồi đó và khóc nức nở”, hãy viết “ cô ấy té gục xuống sàn, hai tay ôm mặt, miệng nín chặt nhưng những tiếng nấc vẫn cứ trào ra”.
Đến đây nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm có thể đọc qua “On writing well” (Tác giả William Zinsser) hoặc “Cuốn sách sai không sót câu nào” (Tác giả Đinh Đức Hoàng) để hiểu thêm về cách viết cũng như tầm quan trọng của kể chuyện.

Điều thứ ba: Hãy tuân thủ nguyên tắc báo chí
Dù là sinh viên thực tập hay sau này trở thành người làm báo, mình nghĩ rằng chúng ta hãy luôn ghi nhớ để viết và truyền đạt tin tức theo tiêu chuẩn trung thực, đạo đức và khách quan theo đúng nguyên tắc báo chí mà chúng ta đã được học. 
Giữa thời đại thật giả lẫn lộn, giá trị của báo chí bị nghi ngờ thì việc bạn giữ vững tinh thần làm báo tử tế không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp, mà còn là cách bạn tự bảo vệ chính mình khỏi bị cuốn theo những luồng thông tin sai lệch, đơm đặt để rồi tự chịu trách nhiệm cho những điều đó.
Để có thể trung thực, ngay thẳng, bạn cần phải mạnh mẽ, nhưng điều đó đối với những người trẻ chỉ đầu 20 như chúng ta là vô cùng khó khăn. Có những lúc, mình không thể đánh giá được bản chất của sự việc, những lúc như thế hãy tâm sự với người hướng dẫn hoặc những thầy cô bạn tin tưởng. Hãy luôn coi sai lầm đầu là bài học.
Khi phỏng vấn, đừng sợ mình chưa có nhiều kinh nghiệm, chỉ cần bạn đủ bản lĩnh để đặt câu hỏi đúng, kiểm chứng thông tin kỹ và không ngại nói “tôi chưa rõ” khi còn hoài nghi, thì bạn đã đi được nửa con đường của một người làm báo tử tế.
Phan Nguyen tang qua
Tác giả bài viết trong một lần tham gia chuyến công tác cùng cơ quan thực tập. (Ảnh đăng trên báo Tuổi trẻ).

Thực tập không chỉ là để khoe có được bao nhiêu tin, bài, mà là thời điểm vàng để bạn hình thành thái độ với nghề. Nếu bạn bắt đầu bằng sự cẩn trọng, tỉnh táo và tử tế, mình tin bạn sẽ vững bước hơn và tìm được những con người có cùng chí hướng với mình trong hành trình làm nghề sau này.
Thực tế có những lần mình cảm thấy sợ hãi, nhưng khi mình nhìn lại vẫn có người hướng dẫn chỉ bảo, lo toan đã tiếp thêm sức mạnh cho mình - một đứa con gái “bánh bèo” ngây ngô luôn nhìn đời bằng màu hồng. Chỉ cần bị trêu ghẹo hay bị đối xử thô lỗ một xíu là tủi thân, thu mình lại hoặc cứng đơ như bức tượng, dần dần trở nên cứng cáp, mạnh mẽ và tự tin hơn, không chỉ trong công việc mà còn trong cả cuộc sống. 
Chúc các bạn chân cứng đá mềm và có một kỳ thực tập thật nhiều niềm vui!
Phan Thị Thảo Nguyên
Lớp 21CBC2, Khoa Ngữ văn - Truyền thông

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây