Truyền thông sư phạm - Chia sẻ thành công, kết nối đam mê

Giới thiệu khái quát

     Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng (tên tiếng Anh: The University of Danang, University of Science and Education) – được thành lập từ những cơ sở giáo dục – đào tạo tiền thân sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đến nay, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã có 49 năm tuổi. Trong cuộc hành trình gần 5 thập kỷ qua, biết bao thế hệ thầy và trò Trường Đại học Sư phạm đã vượt qua bao khó khăn thử thách để vươn lên trong giảng dạy và học tập để đưa nhà trường trở thành một trong những Trường Đại học Sư phạm trọng điểm quốc gia.
  •        100% giảng viên có trình độ sau đại học. trong đó có hơn 62% là GS, PGS và TS được đào tạo trong và ngoài nước
  •         Hệ thống cơ sở hạ tầng trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của người học
  •         Chương trình đào tạo tiên tiến, thường xuyên được cập nhật đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.

Thông điệp của nhà trường là TRUYỀN CẢM HỨNG UED

    Nhà trường xác định GIÁO DỤC là hoạt động truyền cảm hứng và UED hàm ý ở 3 từ khóa: UNIVERSAL, ELITE và DEVELOPMENT, với mục tiêu PHÁT TRIỂN người học ƯU TÚ về khoa học dựa trên nền tảng văn hóa PHỔ QUÁT.

       Được hình thành và phát triển trên nền tảng các cơ sở đào tạo giáo viên và khoa học cơ bản ở khu vực miền Trung ngay từ ngày thống nhất đất nước, Đến nay Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã trở thành đại học đa ngành, là một trong bảy trường sư phạm chủ chốt và là một trong năm trường đào tạo uy tín về khoa học cơ bản của cả nước.

 
Video clip "Giới thiệu Trường chúng tôi"


Lịch sử phát triển

Thành lập: 1975
Loại hình: Đại học công lập
Địa chỉ: 459 Tôn Đức Thắng, Quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: (+84)-236-3.841.323
Website: www.ued.udn.vn
Email: ued@ued.udn.vn

      Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng (tên tiếng Anh: The University of Danang, University of Science and Education) – được thành lập từ những cơ sở giáo dục – đào tạo tiền thân sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đến nay, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã có 49 năm tuổi. Trong cuộc hành trình gần 5 thập kỷ qua, biết bao thế hệ thầy và trò Trường Đại học Sư phạm đã vượt qua bao khó khăn thử thách để vươn lên trong giảng dạy và học tập để đưa nhà trường trở thành một trong những Trường Đại học Sư phạm trọng điểm quốc gia.

     Tháng 12 năm 1975, nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng một nền giáo dục mới trên địa bàn Quảng Nam Đà Nẵng; UBND tỉnh đã quyết định thành lập Trường Trung học Sư phạm Quảng Nam Đà Nẵng. Đây là cơ sở sư phạm ra đời đầu tiên trong hệ thống các cơ sở sư phạm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đồng thời cũng là cơ sở giáo dục tiền thân đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng sau này.

   

 Tiếp sau sự ra đời của Trường Trung học Sư phạm Quảng Nam Đà Nẵng, ngày 03/11/1976, Trường Cao Đẳng Sư phạm Quảng Nam Đà Nẵng được thành lập. Trong số các cơ sở giáo dục tiền thân của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng sau này, Trường Cao Đẳng Sư phạm Quảng Nam Đà Nẵng có vai trò đặc biệt quan trọng. Tháng 09/1990, Trường Trung học Sư phạm Quảng Nam Đà Nẵng (lúc này đã bao gồm Trường Sư phạm Mẫu giáo Quảng Nam Đà Nẵng sáp nhập vào tháng 08/1985, Trường Nuôi dạy trẻ Quảng Nam Đà Nẵng sáp nhập tháng 10/1987 và Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý và Nghiệp vụ giáo dục Quảng Nam Đà Nẵng sáp nhập tháng 07/1988) được UBND tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng ra quyết định sáp nhập vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam Đà Nẵng.

    Tiếp tục quá trình phát triển, ngày 04/04/1994, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng – được thành lập theo Nghị định 32/CP của Chính phủ, trên cơ sở tổ chức và sắp xếp lại các đơn vị: Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng, cở sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng, bộ môn cơ bản của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, bộ môn văn hóa của Trường Công nhân kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi.     
 

Lúc này, Trường Đại học Sư phạm là một trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các cấp, đào tạo cử nhân khoa học và đào tạo sau đại học; giảng dạy các bộ môn khoa học cơ bản cho các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng. Đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục và triển khai công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên.

     Dẫu mốc trở thành một thành viên của Đại học Đà Nẵng năm 1994 đã mở ra cho Trường Đại học Sư phạm một trang sử mới với tinh thần đổi mới, hội nhập và phát triển. Đến nay, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc, khẳng định vị thế của một học hiệu uy tín, chất lượng ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Tháng 04/2016, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã được cấp giấy chứng nhân đạt chuẩn chất lượng đào tạo. Đây là trường đại học đầu tiên trong cả nước được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng.

    Hiện nay, đội ngũ giảng viên của Trường có, trong đó có 14 Giáo sư, Phó Giáo sư 84 Tiến sĩ, 192 Thạc sĩ và 69 Giảng viên chính. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Nhà trường cũng đa dạng hóa và mở rộng loại hình đào tạo. Bên cạnh đào tạo Đại học bậc chính quy với 29 ngành, Nhà trường cũng mở rộng đào tạo sau đại học với tổng cộng 16 ngành Cao học và 03 ngành Nghiên cứu sinh. Đào tạo hệ vừa làm vừa học cũng như đào tạo lưu học sinh nước ngoài cũng được đặc biệt quan tâm. Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế cũng có những bước tiến mới

    Qua gần 50 năm xây dựng, phát triển và 30 năm là thành viên của Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm đã đào tạo được hàng trăm thạc sĩ và tiến sĩ, hơn 20.000 cử nhân sư phạm và cử nhân khoa học, hơn 14.000 cử nhân cao đẳng sư phạm, 17.500 trung cấp sư phạm tiểu học và mầm non. Chuẩn hoá gần 18.000 giáo viên các cấp, đào tạo gần 5.000 cán bộ quản lý giáo dục.

     Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (1985), Huân chương Lao động hạng Nhì (2002), Huân chương Lao động hạng Nhất (2016) cùng nhiều bằng khen khác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Uỷ ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng…

Sứ mạng

 Trường ĐHSP-ĐHĐN có sứ mệnh sáng tạo và truyền bá tri thức trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và khoa học giáo dục, với trọng tâm đào tạo giáo viên và phục vụ cộng đồng vì sự phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa, địa bàn trọng điểm là vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và Tây nguyên.

Tầm nhìn
     Đến năm 2030, trường ĐHSP-ĐHĐN trở thành 1 trong 3 trung tâm hàng đầu Việt Nam về đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học giáo dục; là điểm kết nối văn hóa - khoa học - giáo dục của khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, Trường trở thành đại học bền vững và đổi mới sáng tạo đặc sắc

Giá trị cốt lõi
  Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng tuyên bố giá trị cốt lõi của Trường trong Chiến lược phát triển trường Đại học Sư phạm trong giai đoạn 2020 – 2025 và hướng đến tầm nhìn 2030, trong đó nêu rõ giá trị cốt lõi của Nhà trường là: “Tôn trọng – Sáng tạo – Chất lượng”; đó là những giá trị đặc trưng mà Nhà trường coi trọng và được hun đúc qua quá trình xây dựng và phát triển.

– Tôn trọng: Tôn trọng là định hướng trong từng hành động của người làm giáo dục. Luôn tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác và tôn trọng các quy định.
– Sáng tạo: Sáng tạo là yêu cầu cần thiết đối với công việc. Đổi mới cách nghĩ, cách làm, hình thành tri thức mới, đón nhận sự thay đổi, thích ứng với hoàn cảnh để phát triển.
– Chất lượng: Chất lượng là yếu tố tạo nên sự tồn tại và phát triển bền vững. Chất lượng giáo dục ngày càng cao là uy tín, danh dự và thương hiệu của Nhà trường.
 

TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

TOÀN DIỆN – KHAI PHÓNG – SÁNG TẠO – THỰC NGHIỆP
– Khai phóng: Giáo dục hướng tới xây dựng cho người học một nền tảng kiến thức rộng, hình thành những kĩ năng cần thiết để vận dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau; đồng thời có chuyên môn sâu ở một lĩnh vực nhất định.
– Sáng tạo: Người học phát triển tư duy độc lập, sáng tạo; làm cơ sở để tạo ra những sáng kiến, cải tiến và phát minh khoa học trong nghiên cứu, dạy học và công việc.
– Thực nghiệp: Thực nghiệp có vai trò quan trọng trong đào tạo, học đi đôi với hành, những kiến thức tiếp nhận từ nhà trường được vận dụng hiệu quả, linh hoạt vào hoạt động nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
– Toàn diện: Người học được đào tạo, bồi dưỡng có đầy đủ các yếu tố Đức – Trí – Thể – Mĩ; đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
MỤC TIÊU GIÁO DỤC

Sau khi tốt nghiệp người học có:

– Kiến thức chuyên môn toàn diện, hiểu biết sâu về nguyên lý và quy luật tự nhiên – xã hội.
– Kỹ năng mềm, khả năng sáng tạo và thích ứng với sự thay đổi môi trường làm việc.
– Năng lực giáo dục và phát triển nghề nghiệp.
– Đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, sức khỏe tốt, ý thức phục vụ cộng đồng.

CHUẨN ĐẦU RA CẤP TRƯỜNG
Người học khi tốt nghiệp có năng lực:
– Vận dụng kiến thức khoa học và công nghệ vào lĩnh vực chuyên môn cụ thể.
– Làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả và sử dụng ngoại ngữ trong công việc.
– Tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, học tập suốt đời và phát triển chuyên môn nghề nghiệp trong bối cảnh môi trường thay đổi.
– Trau dồi phẩm chất đạo đức, truyền cảm hứng và phục vụ cộng đồng

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây