. TIN TỨC TRUYỀN THÔNG ....................................................................
Giữ xanh vùng lõi Kon Ka Kinh: Nỗ lực bền bỉ từ những “người gác rừng”
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là vùng lõi nằm trong Khu dữ trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) Cao nguyên Kon Hà Nừng. Đây không chỉ là “ngôi nhà xanh” của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm mà còn là biểu tượng của những nỗ lực không ngừng trong hành trình bảo tồn thiên nhiên.
Kho báu đa dạng sinh học giữa đại ngàn Tây Nguyên
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích hơn 42.000 ha, ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 50 km, nằm trên địa giới hành chính của 6 xã gồm Đăk Roong, Kroong, Kron Pne, (huyện K’Bang) xã Hà Đông (huyện Đăk Đoa) xã Ayun, xã Đakjơta (huyện Mang Yang). Vào năm 2003, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là một trong bốn Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Vườn di sản ASEAN và cùng với Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là hai vùng lõi quan trọng của KDTSQTG Cao nguyên Kon Hà Nừng (được UNESCO công nhận từ năm 2021). Khu vực này sở hữu hệ sinh thái rừng kín còn tương đối nguyên vẹn, độ đa dạng sinh học cao và giữ vai trò đặc biệt trong cân bằng sinh thái khu vực Tây Nguyên, Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nhìn từ trên cao. Ảnh trên Báo Gia Lai điện tử. Sở hữu điều kiện địa hình và khí hậu đa dạng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là nơi giao thoa của nhiều khu hệ thực vật lớn trong khu vực châu Á và trở thành một “kho báu xanh” chứa đựng hệ thực vật rừng phong phú, nhiều loài quý hiếm và đặc hữu. Đây còn là nơi sinh sống của 351 loài động vật rừng, trong đó có tới 47 loài quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Đây cũng là một trong những vùng chim đặc hữu quan trọng, với 160 loài chim, trong đó có 7 loài chim đặc hữu như khướu đầu đen, gà lôi vằn... Ngoài ra, hệ bò sát, ếch nhái và côn trùng ở đây cũng rất phong phú, bao gồm nhiều loài đặc hữu như thằn lằn đuôi đỏ, ếch gai sần hay chàng sapa... Đồng hành giữ vững “lá phổi xanh” Kon Ka Kinh
Chính vì những giá trị đa dạng sinh học đặc biệt, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh luôn được xác định là một trọng điểm trong công tác bảo vệ và gìn giữ rừng đặc dụng quốc gia. Giữ gìn vùng lõi sinh học này là nhiệm vụ nặng nề của những người làm công tác bảo vệ rừng – những “người gác rừng” thầm lặng.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, lực lượng bảo vệ rừng Vườn quốc gia Kon Ka Kinh đã tổ chức 4 đợt truy quét quy mô lớn vào vùng lõi rừng đặc dụng. Mỗi đợt kéo dài bốn ngày ba đêm với sự phối hợp chặt chẽ của Văn phòng lực lượng chuyên trách, Đội bảo vệ rừng cơ động và các Trạm bảo vệ rừng. Tổng quãng đường di chuyển của cả bốn đợt lên đến gần 155 km. Qua đó,lực lượng chức năng đã phát hiện 6 tuyến đường bẫy với chiều dài hơn 1.700 mét, tháo gỡ 66 bẫy dây phanh, 2 bẫy kẹp, 115 bẫy các loại khác, trong đó đã phá bỏ tại chỗ 54 bẫy thô sơ. Đặc biệt, lực lượng còn kịp thời phát hiện một vụ vi phạm liên quan đến sử dụng súng hơi, bắt giữ đối tượng cùng súng hơi và 95 viên đạn chì.Các lực lượng bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tuần tra bảo vệ rừng.
(Ảnh do Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cung cấp).
Những con số biết nói ấy là minh chứng rõ ràng cho tinh thần kiên trì, bền bỉ của lực lượng bảo vệ rừng – những người ngày đêm băng rừng, vượt suối để tuần tra, giám sát và giữ bình yên cho hệ sinh thái rừng đặc hữu. Trong bối cảnh các hành vi săn bắt, xâm hại rừng ngày càng tinh vi, công tác bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh càng trở nên cấp thiết và đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ cũng như hỗ trợ từ công nghệ.
Một bước tiến đáng ghi nhận trong bảo vệ rừng tại Kon Ka Kinh là việc ứng dụng phần mềm SMART (Spatial Monitoring and Reporting Tool) – công cụ ghi nhận và giám sát quá trình tuần tra được Hội Động vật học Frankfurt (FZS) hỗ trợ triển khai từ năm 2016. Từ những bước thử nghiệm tại vài trạm kiểm lâm, đến nay SMART đã được áp dụng đồng bộ tại cả 9 trạm bảo vệ rừng. Phần mềm này giúp ghi lại toàn bộ dữ liệu tuần tra – từ thời gian, tọa độ, các tuyến đường đã đi qua cho đến các điểm phát hiện vi phạm – qua đó giúp lãnh đạo đơn vị đưa ra chỉ đạo kịp thời và chính xác. Đồng thời, dữ liệu từ SMART cũng góp phần xác định vùng phân bố của các loài quý hiếm, khoanh vùng nguy cơ và đề xuất các biện pháp bảo tồn cụ thể. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng vẫn còn một số khó khăn, chủ yếu đến từ hạn chế kỹ năng thao tác phần mềm ở một bộ phận nhỏ cán bộ tuần tra, cũng như những lỗi kỹ thuật khi vẽ đường di chuyển (track).
Song hành cùng lực lượng chuyên trách, công tác bảo vệ rừng tại Kon Ka Kinh còn nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ các tổ chức, cơ sở giáo dục. Năm 2024, sau khi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng, Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, nghiên cứu và giáo dục môi trường. Kon Ka Kinh trở thành điểm đến học thuật lý tưởng cho sinh viên UED trong các hoạt động thực tập, điền dã và phát triển đề tài nghiên cứu. Sau mỗi chuyến đi thực tế, chính các bạn cũng trở thành những tình nguyện viên, tuyên truyền viên tích cực cho việc bảo vệ rừng và bảo tồn sự đa dạng sinh học. Đáng chú ý, trong năm 2025, cả 7 đề tài đăng ký học bổng sinh viên nghiên cứu khoa học do FZS tài trợ đều xoay quanh chủ đề bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại KDTSQTG Cao nguyên Kon Hà Nừng, trong đó có vùng lõi Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Sự kết hợp giữa lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, công nghệ hiện đại và cộng đồng nghiên cứu, hy vọng sẽ tạo nên một “vành đai” bảo vệ vững chắc quanh những cánh rừng nguyên sinh. Những nỗ lực bảo tồn ấy không chỉ góp phần gìn giữ tài nguyên quý báu cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Tiểu vùng sông Mekong.